NGÀNH BAO BÌ VIỆT NAM 2023 VÀ DỰ BÁO NĂM 2024
Ngành Bao bì Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, giúp bảo quản, vận chuyển và phân phối hàng hóa dễ dàng, nhanh chóng. Trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất, xuất nhập khẩu nguyên liệu, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam vẫn còn những tín hiệu hứa hẹn là một trong những ngành công nghiệp phát triển bền vững và lâu dài.
CÒN NHIỀU KHẢ NĂNG TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH
Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas), toàn quốc hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp bao bì, trong đó bao bì giấy với hơn 4.500 doanh nghiệp, bao bì nhựa chiếm khoảng 9.200 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước.
Giai đoạn năm 2015 - 2020, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam có biểu đồ tăng trưởng khá cao và ổn định với mức tăng trưởng bình quân 13,4%/năm. Mặc dù vậy, diễn biến sau dịch Covid 19 và biến động kinh tế toàn cầu từ năm 2021 đến cuối năm 2023 đã tác động sâu rộng đến toàn bộ các ngành công nghiệp.
Theo một báo cáo mới đây từ Market Research Future, dự báo tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho thị trường toàn cầu của bao bì nhựa ước tính là 3,6%; với bao bì giấy sẽ là 4,7% trong giai đoạn 2023-2030. Còn theo Mordor Intelligence, thị trường bao bì nhựa và bao bì giấy Việt Nam có CAGR lần lượt lên tới 8,39% và 9,73% trong giai đoạn từ năm 2023-2028.
Dự báo kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report tỏ ra lạc quan hơn so với những tháng đầu năm, một phần đến từ nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi và giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.
Dựa trên mức sản lượng bao bì tiềm năng, cùng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp sản phẩm bao bì của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thành viên được hưởng thuế suất bằng hoặc gần bằng 0%.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô được ổn định, nổi bật là mặt bằng lãi suất được hạ thấp và lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, Chính phủ đã có những chính sách kích cầu tiêu dùng nhằm phục hồi tổng cầu như giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Đây là những cơ hội giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm bao bì Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong khi rất ít các đối thủ cạnh tranh khác được hưởng mức thuế này.
Theo các chuyên gia kinh tế đầu ngành, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa phát triển cùng với sự phát triển kinh tế Việt Nam, và hấp dẫn các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Như vậy, hướng tới năm 2024, với những dự báo ngành bao bì Việt Nam đến từ các tổ chức nghiên cứu độc lập, các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, chúng ta hoàn toàn có thể tin kỳ vọng năm mới sẽ có những dấu hiệu lạc quan, ổn định và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Danh sách top 10 doanh nghiệp bao bì giấy uy tín năm 2023 (nguồn Vietnam Report)
Danh sách Top 10 doanh nghiệp bao bì nhựa uy tín năm 2023 (nguồn Vietnam Report)
CHẤT LIỆU BAO BÌ BỀN VỮNG NGÀY CÀNG ĐƯỢC QUAN TÂM
Phát triển công nghiệp xanh, sản xuất xanh, bền vững không gây độc hại cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường đang ngày càng được các Tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thường xuyên hơn. Đây cũng là cam kết thể hiện rõ quan điểm, giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp mang đến cho cộng đồng.
Ngành công nghiệp bao bì Việt Nam cũng nằm trong quá trình phát triển theo xu hướng xanh, bền vững. Đặc biệt thấy rõ khi các chính sách, quy định của nhà nước liên tục ban hành, nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành bao bì đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đảm bảo lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020, đến tháng 1/2024, các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thực hiện EPR. EPR là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Extended Producer Responsibility, có nghĩa là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Theo định nghĩa Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đưa ra trong Công ước quốc tế về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chứng (BASEL), EPR là cách tiếp cận chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.
Chương trình UNEP công bố báo cáo cho rằng ô nhiễm nhựa có thể giảm 80% vào năm 2040 nếu các quốc gia và công ty sử dụng công nghệ hiện có để thực hiện các thay đổi chính sách quan trọng và điều chỉnh thị trường.
Trong đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 trách nhiệm: 1-Tái chế đối với sản phẩm, bao bì áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; 2 - Xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý.
Đối với loại trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (áp dụng đối với các nhóm sản phẩm (pin, ắc quy; điện, điện tử; săm, lốp; dầu nhớt; phương tiện giao thông và nhóm bao bì (thực phẩm; mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú; chất tẩy rửa; xi măng): Nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện tái chế từ năm 2024 trở đi và được lựa chọn một trong hai hình thức: Tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn tự mình tổ chức tái chế thì có thể tự thực hiện tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế hoặc kết hợp các cánh thức nêu trên. Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu không tự mình tổ chức tái chế mà lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ đóng tiền theo định mức tái chế (Fs) do Thủ tướng Chính phủ ban hành (dự kiến được ban hành trong năm 2023 và áp dụng từ ngày 01/01/2024).
Đối với người tiêu dùng, xu hướng lựa chọn các sản phẩm bao bì có khả năng tái sử dụng cao, thân thiện môi trường, ít gây tác động tiêu cực lên sức khỏe con người và môi trường được ưu tiên lựa chọn nhiều hơn.
Theo khảo sát của Vietnam Report có tới 57,4% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho bao bì thân thiện với môi trường nếu giá cả không quá chênh lệch so với sản phẩm thông thường và đến 41,1% người tiêu dùng luôn ưu tiên lựa chọn dù giá cao hơn.
Như vậy, xu hướng sản xuất, sử dụng bao bì ngày nay đang có sự thay đổi cả về chất và lượng, ảnh hưởng đến thói quen và thay đổi có tính lâu dài, bền vững hơn. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng bao bì cần phải nhanh chóng nắm bắt và điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.
*Tổng hợp từ VietnamReport
Chia sẻ nhận xét của bạn về NGÀNH BAO BÌ VIỆT NAM 2023 VÀ DỰ BÁO NĂM 2024
Có 0 bình luận: